Tài liệu năm 2006, đóng dấu “Mật” nêu về kết quả thử nghiệm chương trình điều khiển ga tự động (cruise-control) trên mẫu xe có mã 250L, sau đó được bán ở Nhật và châu Âu dưới cái tên Lexus 460. Tài liệu này cũng đề cập tới tính năng an toàn của sản phẩm mã 180L mà sau đó được bán với tên Toyota Tundra.
Theo CNN, Toyota tuyên bố tài liệu này không đề cập tới vấn đề tăng tốc ngoài ý muốn và tiếp tục phủ nhận có yếu tố điện tử trong các sự cố xe tăng tốc đột ngột. Hãng tin Mỹ thì cho rằng ba bản dịch của tài liệu này, vốn viết bằng tiếng Nhật, chỉ ra rằng các kỹ sư đã cảnh báo về chương trình ga tự động có thể làm xe tự tăng tốc.
“Cruise Control tự kích hoạt ở trạng thái hết ga khi cảm biến chân ga làm việc không bình thường”, bản dịch từ tiếng Nhật của CNN viết.
|
Tài liệu tiếng Nhật mô tả lỗi hệ thống điện tử trên xe Toyota. |
Những vụ tai nạn do xe tăng tốc ngoài ý muốn khiến hãng xe lớn nhất thế giới phải triệu hồi hãng triệu xe trên toàn thế giới. Nhưng sau đó Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA, dưới sự trợ giúp của NASA, đã kết luận không có yếu tố điện tử mà chỉ thuần tính cơ học trong sự cố tăng tốc đột ngột trên. Các lý do đưa ra là thảm lót chân có thể dịch chuyển, đè lên chân ga, chân ga bị kẹt hay lỗi của tài xế.
“Điều này giống như một ví dụ về việc nguyên nhân điện tử khiến xe tăng tốc”, Michael Pecht, Giám đốc Trung tâm CALCE Electronics Products and Systems Center, đại học Maryland nói với CNN.
Pecht là giáo sư cơ khí, đong vai trò cố vấn cho quốc hội Mỹ trong quá trình xem xét lỗi của Toyota. Ông đặt câu hỏi tại sao tài liệu này không được gửi cho NHTSA cũng như NASA trong quá trình điều tra.
Toyota lý giải việc không chia sẻ tài liệu này cho NHTSA đơn giản bởi “tài liệu này không liên quan gì tới vấn đề tăng tốc đột ngột, không đề cập tới lỗi hay bất cứ vấn đề an toàn nào”.
Ông Kristen Tabar, quản lý tại Trung tâm kỹ thuật Toyota ở Ann Arbor (Mỹ) cho rằng đây chỉ là một “cảnh” rất nhỏ trong tiến trình thử nghiệm liên tục. “Đây là tình huống xe được test theo chủ quan. Chúng tôi đặt một tín hiệu bất thường. Xe phản ứng bằng cách nhả chân phanh rất phù hợp, theo đúng những gì chúng tôi dự đoán và mong muốn. Điều này không liên quan tới tăng tốc đột ngột”.
Toyota cũng khẳng định thử nghiệm này không “gây nên tình trạng xe vọt lên một cách vật lý”. Đây là những thí nghiệm để “điều chỉnh và cải tiến của chương trình điều khiển ga tự động trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt. Vấn đề đang tranh cãi không xảy ra trên bất cứ mẫu xe nào đã được bán. Ngoài ra, tài liệu mang nghĩa cảnh báo cho các kỹ sư về vấn đề xảy ra trong giai đoạn tiền sản xuất hàng loạt. Không mẫu xe nào và không hệ thống cruise control nào trong tài liệu được bán ở Mỹ.
|
Toyota từng phải triệu hồi xe kỷ lục do liên quan tới lỗi tăng tốc đột ngột. Ảnh: AP. |
Văn bản gốc được cung cấp cho CNN ở Nhật, viết bằng tiếng Nhật. Sau khi Toyota cho rằng có những vấn đề về dịch thuật hãng tin Mỹ đã thuê một công ty tại Tokyo chuyên dịch tài liệu ôtô và kỹ thuật.
Kết quả vẫn bảo lưu như ban đầu rằng “Kỹ sư ghi nhận sự tăng tốc ngoài ý muốn trong hệ thống ga tự động của 250L, vốn được thiết kế để giảm tốc độ xe nếu phát hiện có vật cản phía trước và tự tăng tốc trở khi không còn vật cản”.
Tabar, người không nói tiếng Nhật, thì cho rằng bản dịch chính xác không phải là “tăng tốc ngoài ý muốn”. Đây là thử nghiệm liên quan tới cruise control và dịch theo nghĩa đen phải là “cruise control có thể tự bắt đầu và tự vận hành” và đó là chức năng mong muốn có hệ thống này.
Khi Toyota phủ nhận hai bản dịch, CNN đã thuê một công ty khác tại Mỹ có kinh nghiệm trong lĩnh vực xe hơi dịch lại bản thứ ba với nghĩa “Kỹ sư Toyota nói rõ thử nghiệm trên mẫu 180L là để ngăn chặn sự cố chân ga từng khiến xe tự tăng tốc trong các thử nghiệm trước đó với mẫu 250L”.
CNN cho biết dù đã cố gắng liên hệ nhiều lần nhưng Toyota không cung cấp bản dịch của riêng hãng này.
Trong khoảng thời gian 2008-2010, Toyota đã triệu hồi 8,5 triệu xe các loại, từ Camry, RAV4 tới Lexus vì lỗi tăng tốc đột ngột. NHTSA ghi nhận 52 cái chết liên quan đến việc tăng tốc đột ngột trên các xe Toyota, kể từ 2000.
Thế nhưng vấn đề đã không được chú ý đúng mức cho tới khi cựu sĩ quan tuần tra giao thông California Mark Saylor bị chết cùng 3 thành viên trong gia đình, khi chiếc Lexus bị nạn do mất kiểm soát chân ga gần San Diego. Vụ tai nạn ngày 28/8/2009 nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông.
Một tháng sau, ngày 5/10, nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới ra thông báo triệu hồi 3,8 triệu xe mang nhãn hiệu Lexus và Toyota do lỗi thảm lót thiết kế sai. Đến tháng 1/2010, thêm 2,3 triệu xe bị triệu hồi nữa do khả năng dính chân ga.
Trọng Nghiệp