Sau Tết, tôi công tác 3 ngày ở Nha Trang xinh đẹp. Đi bằng taxi Mai Linh từ khách sạn Olympic đến chi nhánh văn phòng trên đường Nguyễn Thành Phương, chừng 2 km. Mỗi ngày hai chuyến, bác tài nào cũng nhiệt tình bấm còi. Cứ có xe phía trước là bóp. Họ làm như thể đã thành quen.
Còi ôtô, như bao thứ khác. Đủ thì tốt. Thừa thành bệnh. Nó là thứ để chúng ta giao tiếp với phần còn lại ở ngoài cửa kính. Sử dụng đúng sẽ thành "văn hóa giao thông".
Trên xa lộ, còi giúp bạn an toàn. Nhưng trong phố, đô thị hay ngang trung tâm thương mại, hãy hạn chế bấm. Ngang qua bệnh viện, trường học hay ban đêm từ 23h đến 5h sáng, theo luật GTĐB là cấm sử dụng.
Vậy mà 3 ngày Nha Trang, thành phố du lịch, còi như không hạn chế. Cả xứ Huế và miền Trung cũng vậy. Xe càng to, càng xịn thì càng có quyền "bắt nạt" các phương tiện nhỏ con và bình dân?
Xe ben, xe buýt "vừa ăn cướp vừa la làng" (giành đường và nẹt còi). Biển đỏ, biển xanh "nháy mắt" liên tục, "la hét" lấn làn rất tự nhiên. Xe xịn, xe sang của “đại gia” và "tiểu gia" thì "trương mắt ếch" (pha bật bất kể ngày đêm).
Nhiều bác tài, vừa chạy vừa bấm vang cả phố. Nhưng đôi khi chẳng vì lý do cụ thể. Chỉ đơn giản là được đi trước người khác.
Vì thế, còi có lẽ là lý do làm "mối thâm thù" giữa ôtô và xe máy ngày thêm chồng chất!
Ở TP HCM, nơi tôi làm việc và sinh sống, trừ ben, buýt và một số ít xe cá nhân là hay “la lối” thậm chí thi thoảng “chửi thề” còn lại phần lớn các phương tiện xe hơi khác khá lịch sự trong “giao tiếp”.
Đứa em rể ở Huế có lần cũng buột miệng thốt lên "người Sài Gòn hình như ít dùng còi".
Đường phố vốn dĩ đã nhiều âm thanh “tra tấn”, còi hợp lý (chỉ những trường hợp thật cần thiết) sẽ góp phần làm cho giao thông thêm trật tự, an toàn mà còn tạo hình ảnh đẹp với bạn bè đến thăm.
Điều đó bắt đầu từ mỗi cá nhân chúng ta, khi ngồi sau vô-lăng.
Vài lời chia sẻ từ những quan sát cá nhân khi tham gia giao thông.
Chúc các bác lái xe an toàn!
Ngô Vĩnh Yên